0

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ | Safe and Sound

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là triệu chứng trẻ khó tiếp nhận và bày tỏ suy nghĩ thông qua lời nói. Theo các chuyên gia tâm lý, tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Cha mẹ cần phát hiện sớm để kịp thời khắc phục nhằm giúp con tự tin giao tiếp với những người xung quanh.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?

Theo các chuyên gia tâm lý, ngay từ khi sinh ra, trẻ em đã sẵn sàng để học một ngôn ngữ mới để giao tiếp và trẻ sẽ học một hay nhiều ngôn ngữ mà gia đình hay môi trường xung quanh đang sử dụng. Quá trình học cần một khoảng thời gian nhất định và mỗi trẻ thường có tốc độ cũng như các cột mốc phát triển ngôn ngữ khác nhau. 

Thông thường, trong quá trình phát triển, trẻ có thể gặp khó khăn với một số âm tiết, từ ngữ hoặc cấu trúc câu. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em đều thành thạo ngôn ngữ vào khoảng 5 tuổi.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em được chia thành hai loại: Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ hoặc rối loạn ngôn ngữ diễn đạt. Đối với trẻ bị rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ, bé sẽ có dấu hiệu chậm hiểu lời nói của mọi người. Những trẻ rối loạn về ngôn ngữ diễn đạt sẽ gặp khó khăn khi nói chuyện với người khác, khó giao tiếp, bày tỏ những câu nói, suy nghĩ thông thường theo độ tuổi. Biểu hiện như chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nói sai ngữ pháp, cách nói bất thường… 

Các rối loạn ngôn ngữ khác như trẻ thường nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn,… Nguyên nhân của những triệu chứng này thông thường do trẻ gặp một số vấn đề trong quá trình phát triển, rối loạn tâm lý.

Chứng rối loạn ngôn ngữ thường được phát hiện trong độ tuổi từ 3 - 5. Trẻ thường mắc hai chứng rối loạn cùng lúc.

2. Cách phát hiện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường không có biểu hiện rõ rệt nào, chỉ khi bạn chú ý đến các dấu hiệu sau đây mới có thể phát hiện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ: Trẻ tỏ ra không lắng nghe khi bạn hay ai đó nói chuyện, giao tiếp với trẻ. Tương tự trẻ cũng không quan tâm khi có người đọc sách cho mình nghe, không hiểu những câu nói phức tạp, không làm theo được những lời dạy bảo của cha mẹ. Nhìn chung, khả năng nghe và nói của trẻ đều kém so với các bạn cùng lứa tuổi. 

Ảnh 1: Phát hiện sớm trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Đến nay, các chuyên gia tâm lý cũng chưa biết rõ nguyên nhân của rối loạn tiếp thu ngôn ngữ. Tuy nhiên, người ta cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự rối loạn ngôn ngữ như: di truyền, mức độ được làm quen với ngôn ngữ, mức độ phát triển chung của nhóm trẻ trong cộng đồng dân cư... Rối loạn tiếp thu ngôn ngữ thường đi kèm với những khuyết tật phát triển như bệnh tự kỷ, do tổn thương não bộ như chấn thương, khối u, mắc một số bệnh.

3. Phòng tránh rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em

Nếu trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp mà cha mẹ không khuyến khích giao tiếp trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu mình, thụ động, thiếu tự tin, kém hòa nhập. Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tối đa sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì biện pháp quan trọng hàng đầu là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình. Tăng cường cho trẻ em giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn cho trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và ước muốn của chúng. 

 Ảnh 2: Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ từ sớm

Cho trẻ tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn uốn nắn cho trẻ nghe, nói chuẩn lời nói, từ ngữ... giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ đúng. Luôn khuyến khích khả năng nói, hát, tham gia các trò chơi, tăng cường cho trẻ tiếp xúc với những hoạt động hấp dẫn. Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, khi dạy trẻ nghe và nói, chúng ta cũng không nên gò ép trẻ phải có tiến bộ ngay trong việc học các từ mới mà cần kiên trì, dạy trẻ mỗi ngày một số từ và câu nói mới.

Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ. Biết được những dấu hiệu và cách phòng tránh rối loạn ngôn ngữ, cha mẹ và người thân có những can thiệp kịp thời, giúp trẻ em dễ tiếp thu kiến thức trong học tập và trở nên mạnh dạn hơn trong các giao tiếp xã hội.

: Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound